Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014


 -  Con bị đau chân

Nghe con than, bà mẹ trẻ vội nắn chân, sờ xem chúng có nóng không rồi hỏi: “Con đau như thế nào?” Đứa trẻ mếu máo: “đau ở chân”! Cái đau thường xuất hiện vào xế chiều và kéo dài cả buổi tối cho đến khi trẻ ngủ.

 Hỏi bà nội thì cụ bảo: “Ban ngày nó chạy nhảy nhiều nên chân đau chứ có gì mà phải rối lên. Trẻ nó vậy là bình thường. Ngày xưa tôi nuôi ba nó cũng thế”. Bà mẹ đi hỏi những trẻ cùng lứa, nếu vài đứa trả lời: “con đâu có bị đau...” là bà bấn loạn và nghĩ rằng con mình đang lâm trọng bệnh!
Tại sao đau?

Các nhà khoa học đã vào cuộc và gọi đau chân của trẻ đang lớn là growing pain. Có giả thuyết cho rằng: ban đêm hormon tăng trưởng (growth hormon) bài tiết, tác động vào sụn đầu xương giúp chúng cốt hóa để xương dài ra. Muốn vậy cơ thể phải có bước chuẩn bị: can-xi, phospho, protein, sắt… là những nguyên liệu hình thành xương. Ở một số trẻ những biến động toàn thân ấy không gây ảnh hưởng gì nhưng chừng 1/3 trẻ sự thay đổi này lại làm bài tiết prostaglandin và làm trẻ đau dọc ống xương. Trẻ nào prostaglandin bài tiết nhiều thì bé đau đến mức đang ngủ bừng thức dậy, kêu khóc. Đa số trẻ đau hai chân nhưng cá biệt có trẻ chỉ đau một chân. Những trẻ nhạy cảm với cái đau mô tả rằng “rất nhức từ đùi xuống đến bắp chân, như có cái gì trong xương”. Nghe thế cha mẹ nào không hoảng và coi là “bệnh lạ”. Tuy nhiên khi làm các xét nghiệm, chụp X quang thì không hề có dấu hiệu bệnh lý.

Giả thuyết thứ hai là xương và cơ không dài ra song song. Nếu xương dài nhanh hơn cơ thì gây ra sự co kéo, ban ngày trẻ đi lại, chạy nhảy cơ bị kéo nhiều hơn nên chiều tối thấy đau.
Cả hai giả thuyết này hiện vẫn đang tồn tại, có nhà khoa học gọi đó là “đau chân lành tính không rõ nguyên nhân”.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ đau chân?

Xin các bậc cha mẹ đừng lo lắng khi trẻ ở độ tuổi 2-12 than đau chân. Chỉ khi nào trẻ đau liên tục suốt ngày đêm, đau cả trong khớp hoặc thấy khớp sưng, nóng, đỏ, đau thì đó là bệnh lý và cần đưa trẻ đến bệnh viện chữa trị. Nếu bác sĩ bảo “không sao, rồi bé sẽ hết” thì bà mẹ trẻ vẫn muốn làm một điều gì đó cho con. Lời khuyên trong trường hợp này là mẹ có thể dùng tay xoa bóp cho bé, có thể xức dầu nóng hoặc dùng chai nước nóng, bọc trong khăn mà chườm vào vùng trẻ kêu đau. Bé nào than “chịu hết nổi” hãy cho uống 01 viên thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau ức chế prostaglandin (ibuprofen, tylenol) nên trẻ sẽ hết đau nhanh nhưng xin lưu ý là quý vị đừng lạm dụng thuốc.
 Bác sĩ TỊT TUỐT -TT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét